Top 6 Đặc Sản Nam Định Làm Quà Nức Tiếng Khắp Ba Miền Bắc, Trung, Nam

Nhắc đến Nam Định chắc các bạn đã quá quen với phở Nam Định, bánh xíu páo, kẹo sìu châu, kẹo dồi… rồi đúng không? Trong bài viết dưới đây, Trustlist sẽ giới thiệu cho các bạn thêm 6 đặc sản Nam Định làm quà nức tiếng khắp cả nước để khi ghé vùng đất này các bạn có thêm nhiều sự lựa chọn, thưởng thức nhé.

Xem thêm: Top 5 Nhà Hàng Đặc Sản Dê Núi Ninh Bình Nức Tiếng Nhất Định Phải Thử


1

Nem Nắm Giao Thủy

Nem nắm là đặc sản của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Món ăn được làm từ bì heo rắn chắc và nắm thành hình tròn. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng miếng bì heo phải được làm sạch sẽ, cạo sạch lông để tránh mùi hôi sau đó được thái sợi thủ công, trộn với gia vị để cho ra một hương vị đậm đà, thơm ngon. Sợi nem được cuộn tròn trong lá sung. Khi ăn chỉ cần cuốn chút nem vào lá sung thêm một chút rau thơm, đặc biệt là phải có lá đinh lăng rồi chấm với nước mắm thơm ngon, cay cay là đã khiến cho bạn không thể quên được hương vị này. Cái vị thơm béo, ngậy của nem, mắm, vị bùi, hơi chát của lá đinh lăng, lá sung sẽ làm cho du khách chỉ muốn ăn thêm nữa.

nem-nam-giao-thuy

2

Bánh Gai – Đặc Sản Nam Định

Ở Nam Định thương hiệu bánh gai nổi tiếng nhất phải kể đến Bánh gai Bà Thi. Nguyên liệu làm bánh chính là lá gai, bột nếp, đường vàng. Lá gai thường được mua vào tháng 3-4 hàng năm, chọn lọc kỹ càng không bị sâu, hỏng. Bột nếp thì thường được làm từ nếp hương, sau khi chọn được gạo nếp thì đãi sạch và nghiền nhỏ, mịn. Để làm vỏ bánh gai, thợ làm bánh sẽ trộn bột lá gai nguyên chất với bột nếp hương và đường vàng làm vỏ bánh. 

Nhân bánh làm từ đỗ xanh, hạt sen, cùi dừa, vừng trắng. Đỗ xanh phải chọn hạt đều, không sâu mọt sau đó đem ngâm vào nước ấm, đãi sạch vỏ rồi đem đồ chín cho dậy mùi thơm. Hạt sen cũng phải là hạt nguyên, căng mẩy, không sâu mọt. Cùi dừa được nạo nhỏ xào với đường kính trắng, vừng trắng thì đã sạch vỏ và rang thơm. 

Các nguyên liệu này được trộn lẫn, hòa quyện với nhau tạo nên nhân bánh bùi thơm, đậm vị. Thông thường, bánh sẽ được gói bằng lá chuối, thế nhưng, đối với bánh gai bà Thi thì sẽ dược gói từ lá chuối ngự khô. Cuối cùng sau khi đã gói bánh thì dùng sợi đay hoặc cói để buộc bánh. Bánh được đem hấp, khi  chín có màu đen tuyền, thơm mùi lá gai và nếp hương nguyên chất, đã ăn rồi sẽ không thể quên mang món đặc sản Nam Định làm quà cho người thân, bạn bè.


3

Bánh Chưng Bà Thìn

Bánh chưng bà Thìn đã có từ những năm 40-50 của thế kỉ trước ở vùng đất Hải Hậu, Nam Định và tồn tại cho đến ngày nay. Vậy điều gì khiến cho món bánh này vẫn tồn tại và được yêu thích đến thế. Đáp án nằm ở nguồn nguyên liệu rất đặc biệt và phải chuẩn bị công phu mới có được như sau:

  • Hạt gạo nếp cái hoa vàng được trồng trên đất Hải Hậu, bồi chung hạt phù sa đỏ nắng sông Ninh mới đủ độ béo, độ dẻo thơm cho bánh.
  • Gừng, đỗ xanh phải được trồng trên đất pha cát.
  • Thịt lợn là thịt nóng, thịt tươi hàng ngày.

Bánh chưng bà Thìn có phần vỏ bánh làm từ gạo nếp dẻo thơm với màu xanh mướt mát mắt. Bên trong là nhân đậu xanh có lớp thịt đầy đặn, ướp vừa ăn sẽ khiến bạn yêu thích mãi mùi vị thơm ngon, béo ngậy của bánh.

banh-chung-ba-thin

4

Bánh Nhãn Nam Định

Hải Hậu là vùng đất có đặc sản Nam Định làm quà gần như nhiều và nổi tiếng nhất thành Nam. Bánh nhãn Nam Định cũng có xuất xứ từ huyện Hải Hậu. Mặc dù tên là bánh nhãn nhưng bánh không phải làm từ quả nhãn hay long nhãn mà được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, trứng gà, đường và mỡ heo. 

Gạo nếp được xay mịn thành bột làm bánh được trộn với trứng gà đã đánh nhuyễn, vắt thành hạt nhỏ rán lên bằng mỡ heo. Sau cùng thợ làm bánh sẽ đun nước đường cho đến khi sánh lại rồi cho bánh vào đảo nhanh tay khoảng chừng vài phút là hoàn thành. Bánh có màu vàng óng, ăn giòn, ngọt và sẽ càng ngon hơn nữa nếu như được uống cùng một tách trà xanh. Vị bánh và vị trà quyện vào nhau thơm bùi dễ chịu.

banh-nhan-dac-san-nam-dinh

5

Bánh Đậu Xanh Hanh Tụ

Đến với thành phố Nam Định, không ghé mua ít bánh đậu xanh Hanh Tụ là một thiếu sót đấy nhé. Bánh đậu xanh Hanh Tụ là món bánh gia truyền của gia đình bà Lê Thị Phúc ở số 249 Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định. 

Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng gồm đậu xanh, mỡ lợn ỷ, đường cát trắng và dầu bưởi thơm. Đỗ xanh phải là đỗ đầu mùa, hạt to mẩy, phải trồng ở Vụ Bản, Ý Yên. Đường phải là đường phèn, đường chõ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi mang ra… Mỡ lợn phải là mỡ lợn ý rán lên lấy nước mỡ trong, đường đặc thì trộn với bột đậu thêm chút dầu bưởi.

Bánh khi cho vào khuôn phải nhẹ tay để bánh vuông vắn và không bị vỡ. Khi ra thành phẩm, bánh có màu vàng sẫm, thơm mùi đậu xanh, hoa bưởi, chữ Hanh Tụ nổi trên mặt bánh. Đây là món đặc sản Nam Định được rất nhiều người ưa chuộng.

banh-dau-xanh-dac-san-nam-dinh

6

Bánh Dày Vị Dương – Đặc Sản Nam Định

Bánh dày Vị Dương có nguồn gốc từ làng Vị Dương, xã Mỹ Xã, thành phố Nam Định. Món bánh này có vỏ bánh rất dẻo, được làm từ bột nếp. Nhân ngọt có phần nhân làm từ đậu xanh, đường, dừa bào. Bánh dày mặn được làm từ đậu xanh, một ít mỡ phần, tiêu xay, khi ăn có vị thơm bùi béo. Nếu bánh nhân chay thì chỉ có bột nếp xoa mỡ bên ngoài.

Bánh dày Vị Dương được làm nên bằng cả cái tâm và công sức của người thợ bánh làng Vị Dương. Món bánh này luôn là món không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống, trong ngày giỗ chạp, thờ cúng tổ tiên và trong việc họ, việc làng của người dân làng Vị Dương, Nam Định.

banh-day-dac-san-nam-dinh

Đặc sản Nam Định làm quà quả thật rất phong phú, đa dạng để các bạn có thể tha hồ chọn lựa phải không nào. Đừng quên tham khảo thêm những thông tin thú vị khác về ẩm thực nhé!