TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU SỨC KHỎE GIA ĐÌNH VÀ PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG (CEFACOM) LÀM VIỆC VỚI PC THỪA THIÊN HUẾ

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU SỨC KHỎE GIA ĐÌNH VÀ PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG (CEFACOM) LÀM VIỆC VỚI PC THỪA THIÊN HUẾ

Nhằm thực hiện hợp phần tăng cường lợi ích cho nhóm dễ bị tổn thương – Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật của dự án Phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa vay vốn ADB. Trong hai ngày 17/12 và 18/12 Trung tâm nghiên cứu Sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng (CEFACOM) đã làm việc với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và đi thực tế để làm việc với xã Hồng Hạ, A Ngo và UBND huyện A Lưới.

Dự án thành phần nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn ADB tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư trên địa bàn 82 xã, thị trấn của 6 huyện A Lưới, Nam Đông, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc; 02 thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế. Tiêu chí đầu tư cho hộ nghèo, 50% số hộ thu nhập GDP thấp, đầu tư không lớn hơn 1.500 USD/1 hộ. Tổng mức đầu tư 157,5 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng trên 58 tỷ đồng.

Đến hết năm 2015 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thêm 41.477 hộ dân có điện phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh sau khi triển khai thực hiện Dự án thành phần nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn ADB tỉnh Thừa Thiên Huế, 100% số huyện, xã, thị xã, thành phố có điện, số hộ dân toàn tỉnh có điện 293.682/293.754 hộ dân đạt tỷ lệ 99,98%. 157.135/157.207 hộ dân nông thôn toàn tỉnh có điện chiếm tỷ lệ 99,95%.

Như đã cam kết vay vốn với Ngân hành Phát triển Châu Á (ADB) song song với triển khai dự án phải xây dựng Kế hoạch phát triển Dân tộc thiểu số. Mục tiêu chính của Kế hoạch phát triển Dân tộc thiểu số là giảm thiểu tác động tiêu cực lên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực dự án; đảm bảo quá trình thực hiện tiểu dự án sẽ tôn trọng và bảo tồn  những giá trị của văn hóa bản địa, quyền con người, phòng chống HIV, buôn bán phụ nữ và văn hóa riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án và cũng xem xét tới nguyện vọng và nhu cầu phát triển của đồng bào dân tộc. Kế hoạch này triển khai trên địa bàn 7 xã của huyện A Lưới và huyện Nam Đông (xã Hồng Hạ, A Ngo, Sơn Thủy, Nhâm, Hồng Trung, Hương Lâm, Hương Sơn) với tổng mức đầu tư của dự án 299 triệu đồng.

Sau khi Trung tâm nghiên cứu Sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng (CEFACOM) làm việc với các xã, phòng Nông nghiệp và phát triển khuyến nông, Hội phụ nữ huyện, phòng Dân tộc huyện, UBND huyện để tìm hiểu sinh kế của người dân địa phương, thói quen của nhóm dân tộc thiểu số, truyền thống văn hóa, nguồn lực kinh tế, các chương trình hỗ trợ người dân tộc thiểu số, thủ tục, quy trình, điều kiện vay vốn tín dụng hiện có trên địa bàn. Từ đó, Trung tâm nghiên cứu Sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng (CEFACOM) sẽ tư vấn trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển Dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực lên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực thực hiện dự án mà Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).