Tiến sĩ gốc Việt nỗ lực hợp tác phát triển ngành tâm lý học đường ở Việt Nam

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CEFACOM) và nhóm Nhóm hoạt động vì Quyền Trẻ em cuối tháng 7 vừa qua khi tổ chức hội thảo “Tâm lý học đường: Giải pháp cho các vấn nạn của thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay”, đã mời diễn giả chính là Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, người Việt tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Quốc Tế (CASP-I).

Chị Hoàng Thúy Lan, giám đốc trung tâm CEFACOM, nơi mời tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết: “Trước đây tôi làm cho UNICEF, một tổ chức lấy trẻ em làm trung tâm. Sau đó tôi cũng làm tư vấn độc lập cho một số dự án khác làm về trẻ em. Gặp anh Lê Nguyên Phương và được anh giới thiệu về những công việc mà tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường – Quốc Tế CASP-I đã làm trong 6 năm qua, thì tôi cảm thấy đây là một tổ chức có thể giúp cho Bộ Giáo dục, những ban ngành và những đơn vị làm việc về trẻ em cũng rất cần những kỹ năng này.”

Tiến sĩ gốc Việt nỗ lực hợp tác phát triển ngành tâm lý học đường ở Việt Nam

Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của ISPA

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhận bằng cao học Tâm lý Giáo dục và chứng chỉ hành nghề Tâm lý Học đường tại Đại học California State Long Beach và bằng tiến sỹ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University of Southern California. Trước đây, ông là giảng viên bộ môn này tại Đại học California State Long Beach.

Tiến sĩ gốc Việt nỗ lực hợp tác phát triển ngành tâm lý học đường ở Việt Nam

Từng là thành viên của Hội đồng điều hành của Hội Tâm lý học đường Long Beach và của Ủy ban Xét duyệt Nghiên cứu cho Giải thưởng Kỷ niệm Michael Goodman, thuộc Hiệp Hội Tâm lý học đường California; năm 2011, ông là người đầu tiên và cho tới nay là người duy nhất nhận giải Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của tổ chức lớn về ngành này là ISPA.

Ông cũng là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam vào năm 2009. Tổ chức này hiện nay là một tổ chức bất vụ lợi có đăng ký tại bang California Hoa Kỳ cho hoạt động quốc tế của mình với tên mới là Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường – Quốc Tế CASP-I. Ông vừa được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của tổ chức này trong nhiệm kỳ 2015-2016.

Ông kể lại: “Năm 2007 khi thấy được rằng Việt Nam có nhu cầu phát triển ngành tâm lý học đường như một ngành bao trùm cả những lĩnh vực của tham vấn học đường và công tác xã hội học đường, tôi đã về làm việc trực tiếp với Viện tâm lý học và với một số trường ĐH ở miền Trung và miền Nam để vận động xây dựng một chương trình đào tạo về ngành tâm lý học đường.

Đến năm 2009 các trường ở Hoa Kỳ như Học khu Long Beach, Chapman University, ở Việt Nam như Đại học Khoa học xã hội nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Sư phạm Huế, Đà Nẵng, TP HCM đã cùng nhau tổ chức 1 hội thảo tâm lý học đường quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Khách tham dự có nhiều như đại sứ Singapore, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc đó Michael Michalak tham dự. Cuối buổi hội thảo đó (tháng 8/2009) anh em ngồi lại và bàn với nhau tổ chức một liên hiệp những đơn vị cùng muốn làm một công việc chung. Và chúng tôi ký kết hoạt động năm 2010.”

“Đào tạo không chuẩn, đi ra làm việc cũng sẽ không chuẩn”

Trong các năm qua Tiến sĩ Lê Nguyên Phương đã về Việt Nam nhiều lần để tham gia các hội thảo chuyên ngành, cũng như giảng dạy trong các khóa tập huấn các kỹ năng Tâm lý Học Đường cho giảng viên các trường đại học và chuyên viên hành nghề. Năm 2012, ông được mời về dạy lớp Tổng Quan Tâm Lý Học bằng Anh ngữ cho sinh viên trong chương trình điều dưỡng tiên tiến của Đại Học Y Hà Nội. Năm 2014, ông đã về làm việc tại Đại Học Sư Phạm Huế với tư cách chuyên gia Fulbright trong hai đề án Cẩm nang Hoạt động Trung tâm Tham vấn và Dịch vụ Giáo Dục Đặc Biệt và Mô hình Nhận diện Khuyết tật Khả năng Học tập.

(Nguồn Internet)